Chi tiết tin - Xã Ba Lòng - Đakrông

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 1
  • Hôm nay 49
  • Tổng truy cập 40.632

Giới thiệu tổng quát về Ba Lòng

10:26, Thứ Tư, 4-10-2023

ĐÓN NHẬN QUYẾT QUYẾT CỦA THỦ TƯỞNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG NHẬN XÃ BA LÒNG LÀ XÃ AN TOÀN KHU

Xã Ba Lòng nằm trong thung lũng Ba Lòng, thuộc huyện Đarrông, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 15km về phía Đông Nam, có diện tích tự nhiên là 15.746,96 ha.  Phía Đông giáp huyện Hải Lăng, phía Bắc giáp huyện Triệu Phong và huyện Cam Lộ, phía Nam giáp xã Tà Long, phía Tây giáp xã Triệu Nguyên.

Ba Lòng có hai dạng địa hình chủ yếu: Địa hình núi cao xen kẽ các thung lũng hẹp được phân bố ở hầu khắp trên địa bàn xã, tập trung ở phía Bắc và phía Tây Nam, thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp (khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng).

Địa hình thung lũng phân bố chủ yếu ở trung tâm xã (dọc hai bên sông Thạch Hãn), thuận lợi cho sản xuất lương thực, cây công nghiệp hàng năm và cây ăn quả. Tuy nhiên do địa hình thung lũng, nên đến mùa mưa, nước bốn bề đổ xuống, nước sông Thạch Hãn dâng lên đột ngột làm cho vùng đất này thường bị ngập lũ, gây nhiều tác hại đến sản xuất và đời sống.

Trên địa bàn xã có các loại đất chính:

Đất nâu tím trên đá sét, phân bố chủ yếu ở phía Tây Nam xã, độ dốc phổ biến trên 200, độ dày tầng mịn 30-70cm, thành phần cơ giới thịt trung bình đến thịt nặng.

Đất đỏ vàng trên đá sét, phân bố chủ yếu ở phía Bắc và Đông Bắc xã, độ dốc phổ biến trên 200, độ dày tầng mịn 30-50cm, thành phần cơ giới thịt trung bình.

Đất nâu vàng trên phù sa cổ phân bố chủ yếu ở trung tâm xã, độ dốc phổ biến trên 3-150, độ dày tầng mịn 50-100cm, thành phần cơ giới thịt nhẹ, thích hợp cho việc sản xuất màu, trồng cây ăn quả.

Đất phù sa phân bố chủ yếu dọc hai bên sông Ba Lòng, độ dốc phổ biến trên 0-30, độ dày tầng mịn trên 100cm, thành phần cơ giới thịt nhẹ, rất thích hợp cho sản xuất rau, màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Đây là địa bàn sản xuất chủ yếu của cư dân trong xã.

Cho đến đầu thế kỷ XXI, hệ thống giao thông trên địa bàn xã                                 đã phát triển tương đối đồng bộ. Cùng với giao thông đường thủy ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay thì từ khi con đường chiến lược nối đường 9 từ thị trấn Krông Klang - trung tâm huyện đi qua Triệu Nguyên vào đến Ba Lòng được từng bước nhựa hóa, đặc biệt là việc xây dựng đập tràn qua sông Ba Lòng; đồng thời các con đường liên thôn, xóm đến trung tâm xã được mở rộng và đổ bê tông thì việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Ba Lòng với địa phương trong tỉnh thuận lợi hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho nhân dân trao đổi, buôn bán hàng hóa, đi lại, học hành, chữa bệnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương.

Xã Ba Lòng nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 25-260c, chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 8 kéo dài đến tháng 2 năm sau, nhiệt độ trung bình 20-220c. Mùa mưa thường trùng với mùa lạnh, nhiệt độ có lúc xuống dưới 150, thấp nhất là  9-100c. Vào mùa mưa, Ba Lòng thường bị ngập lũ.  Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 7, nhiệt độ trung bình 28-300c, cao nhất là 39-410c.

Ba Lòng chịu sự chi phối của các chế độ gió chính: Gió mùa Đông Bắc, thổi thịnh hành trong thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, khi vào đến địa phương, đã suy yếu và thường không còn lạnh lắm, nhưng cũng có năm do nhiệt độ xuống đột ngột và kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống. Gió mùa Tây Nam (còn gọi là gió Lào), thổi thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 7. Với tính chất khô nóng, gió này thường gây ra hạn hán ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt,  lao động, sản xuất của con người và sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Gió mùa Đông Nam, thổi thịnh hành từ tháng 9 đến tháng 11, loại gió này mang nhiều hơi nước từ biển vào, thường gây nên những trận mưa rào, đem lại lợi ích cho cuộc sống và sản xuất.

Sông Thạch Hãn đi qua địa bàn xã - còn gọi là sông Ba Lòng không những đem lại lợi ích to lớn về kinh tế mà còn là địa danh gắn bó máu thịt với con người nơi đây trong suốt chiều dài lịch sử, để lại những dấu ấn không thể phai mờ. “Đoạn sông đi qua địa bàn xã tương đối thẳng, ít lượn. Lòng sông khá rộng nhưng cạn. Mùa mưa lũ, nước tràn ra hai bên bờ nên lòng sông rộng hơn. Mùa nắng, lòng sông thu hẹp, phơi ra nhiều bãi đá cuội hai bên bờ, nhiều đoạn ở Khe Cau, Mai Sơn, Cây Chanh, Lương Hạ, Hà Vụng có thể lội qua được. Từ ngầm Na Nẫm đến Thác Mệ là đoạn sông khá thuận lợi cho giao thông đường thủy. Ngoại trừ ghềnh đá nhô ra sông ở khu vực Đá Nổi, thì từ xưa đến sau này, thuyền vận tải theo sông Thạch Hãn ngược xuôi đi qua đây khá dễ dàng. Cũng trên lộ trình này, lòng sông có nhiều ghồ đá nổi lên cản trở, lại có những đoạn thác nước chảy mạnh (như , thác Lo, thác Mệ...) nên rất nguy hiểm cho thuyền bè qua lại.

           Ở phía hạ lưu, cách Đá Nổi chừng 6km, tại xóm Văn Vận có một tảng đá gọi là Hòn Mệ. Sát bờ hữu có một ngọn núi cao chừng 150m gọi là Động Mệ. Trên đỉnh núi có một tảng đá nhô lên cao độ 6-8m. Hòn núi này nằm chắn ngang sông nên dòng chảy phải hướng về bên trái, lượn ngoặt một vòng gấp khúc gần như hình chữ Z, tạo nên một cái thác dài gọi là Thác Mệ (còn gọi là Thác Bà), nước chảy rất mạnh; mùa mưa, ghe thuyền đi lại khá nguy hiểm. Dần dần về sau, do dòng chảy lưu chuyển phù sa từ thượng nguồn về đi qua Thác Mệ đã bồi lắng mạnh phía bên bờ tả, hình thành nên một cồn cát khá cao, là chỗ ghe thuyền qua lại thường hay dừng chân.

Sông Thạch Hãn đi qua khu vực thung lũng Ba Lòng, do được tích hợp một lượng phù sa rất lớn từ phía thượng nguồn của sông Đakrông và các khe suối trong vùng đổ về nên đã bồi đắp cho vùng đất hai bên bờ sông, tạo nên đặc điểm thổ nhưỡng là đất phù sa tơi xốp, màu mỡ, rất thuận lợi cho trồng trọt. Trải qua thời gian, sự bồi lắng phù sa đã tạo cho hai bên bờ sông (hai địa hình bậc thềm.

Ven theo bờ sông là địa hình bậc thềm 1 - thềm phù sa mới được bồi lấp cách đây chừng 100 năm và liên tục được bồi đắp hàng năm. Địa hình này bằng phẳng, có độ cao trung bình khoảng 3-5m so mới mặt nước sông. Do dòng sông chảy lấn về phía bờ tả ngạn, ăn sâu vào các chân đồi núi nên sự bồi lắng phù sa để tạo nên địa hình thềm bậc 1 chỉ tập trung về phía hữu ngạn. Nhưng sự dịch chuyển dòng chảy của sông cũng liên tục cả về hai phía nên sự xói lở hay bồi lắng cũng không cố định. Địa hình bậc thềm này là dải đất rất tốt cho việc canh tác trồng hoa màu (bắp, đậu) theo mùa vụ.

Ở ven các chân đồi là địa hình thềm bậc 2 - thềm phù sa cổ được kiến tạo cách đây hàng ngàn năm và hàng năm phù sa bồi lấp thêm thì ít nhưng bị rửa trôi thì nhiều. Đây là địa hình trước núi với mặt bằng tương đối phẳng, rộng và tương đối ổn định; độ cao trung bình từ 5-8m so với mặt nước sông. Thỉnh thoảng có những đồi đất nhô lên khá cao dạng đồi bát úp hoặc dạng đồi bán bình nguyên; có đồi nối dài của địa hình đồi trước núi nhưng có đồi tách hẳn khỏi địa hình núi, nhô ra tận bờ sông. Địa hình bậc thềm 2 trải về hai phía bờ sông nhưng diện tích tập trung vẫn ở bờ hữu ngạn. Các dải đất bờ tả ngạn hẹp và liên tục bị dòng chảy sông xâm thực 

Hệ thống khe suối trên địa bàn xã khá nhiều, phần lớn đó là những chi lưu đổ ra sông như khe Cau, khe Thù Lù, khe Vò, khe Bà Tranh, khe Cây, khe Tà Lang, khe Chùa, khe Da Vịt, khe Cây Thị. Sông Ba Lòng là dòng khe lớn nhất trong vùng với sự hợp lưu của 5 khe suối phát tích từ các núi chảy về sông theo hướng đông Nam - Tây bắc.

Giao thông đường thủy trên sông Thạch Hãn đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ XX về trước, để hàng hoá, sản phẩm nông nghiệp của người dân được chuyên chở về đồng bằng trao đổi, buôn bán. Đồng thời, cũng là con đường phục vụ đắc lực cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm; đưa đón cán bộ, chiến sĩ cách mạng lên chiến khu, về đồng bằng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.

Tài nguyên rừng là thế mạnh của Ba Lòng, chủ yếu là rừng phòng hộ, phân bố tập trung ở phía Tây Nam và khu vực động Vóc Mùng, đa phần là rừng nghèo, trữ lượng gỗ thấp, phần lớn là gỗ tạp. Nguồn động vật rừng khá phong phú như các loài: hoảng, nai, sơn dương, chồn, lợn rừng, gà rừng, tê tê, rùa, nhưng suy giảm nghiêm trọng do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp và nạn săn bắt bừa bãi.

Địa danh Ba Lòng đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Quảng Trị với những chiến tích oanh liệt, vẻ vang vì đây là vị trí chiến lược quan trọng với địa hình đặc biệt, hiểm yếu. Nơi đây, sông Thạch Hãn đi qua xuôi về thị xã Quảng Trị và đổ ra biển Đông, hệ thống khe suối hiểm trở; hai dãy núi lớn tiếp giáp với miền núi bao la của huyện Hướng Hóa đến tận Lào, che chở cho lực lượng cách mạng khi bị địch bao vây, đánh phá. Từ Ba Lòng có thể về vùng đồng bằng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, qua Lào hay ra đường 9 về chiến khu Cùa (Cam Lộ), ra Vĩnh Linh qua hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ chằng chịt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất Ba Lòng là địa điểm chiến lược lợi hại “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, trở thành chiến khu cách mạng nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị và cả phân khu Trị Thiên. Trong kháng chiến chống Mỹ được mở nhiều tuyễn đường: Năm 1972 đến năm 1974 đường từ Cùa đi Ba Lòng vào Huế; đường ống dẫn dầu; xây dựng trạm bơm tại Ba Lòng chuyển tải vào Nam lên đỉnh đồi Đa Bàn gọi là đường 9 doc. Nhờ đó mà phá được thế bao vây, cô lập của địch, hạn chế sức tiến công quân sự của chúng, nhất là phi cơ, trọng pháo và cơ giới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi rừng Ba Lòng là nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo tỉnh, đồng thời là một điểm trọng yếu trên đường mòn Hồ Chí Minh, vì vậy đã góp phần đảm bảo giao thông liên lạc phục vụ sự lãnh đạo và chỉ huy thống nhất của tỉnh với các địa phương, tổ chức tiếp vận thuận lợi các nguồn lực chi viện từ hậu phương đến Trị Thiên - Huế và cả chiến trường miền Nam. Bên cạnh ưu thế “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, Ba Lòng có lợi thế hết sức quan trọng nữa là có diện tích đất nông nghiệp để cho cán bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang khai hoang, phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ, yên tâm kháng chiến lâu dài. Hơn nữa, với lợi thế giao thông thuận lợi, nhất là giao thông đường thủy, việc giao lưu với các huyện đồng bằng dễ dàng đã góp phần phát triển sản xuất và cải thiện đời sống, làm thất bại âm mưu bao vây kinh tế của địch đối với vùng căn cứ kháng chiến. Trong hòa bình, Ba Lòng vẫn là địa bàn quan trọng trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, quê hương.

Tên Ba Lòng đã đi vào lịch sử từ rất lâu đời một địa danh gắn với chiến khu cách mạng đã đi vào lịch sử, thi ca của dân tộc và mãi trường tồn với thời gian.

Thời Hùng Vương, Ba Lòng ngày nay là phần đất của bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Cuối thế kỷ II, nhân dân vùng Nhật Nam khởi nghĩa thắng lợi, đuổi quân đô hộ phương Bắc, lập nên vương quốc Chăm Pa cổ, đến thế kỷ IV, ranh giới phía bắc kéo đến đèo Ngang (Quảng Bình), Ba Lòng thuộc đất hai châu Ô, Lý của vương quốc này.

Năm 1306, vua Chiêm là Chế Mân dâng sính lễ hai châu Ô, Lý cầu hôn công chúa Huyền Trân của Đại Việt. Vua Trần thuận lòng và năm sau đã đổi tên Ô, Lý thành Thuận Châu và Hoá Châu. Ba Lòng lúc bấy giờ thuộc Thuận Châu.

Từ thời Trần đến thế kỷ XVIII, Ba Lòng thuộc đạo Cam Lộ. Năm 1803, nhà Nguyễn đặt đạo Cam Lộ, đến năm 1823 thì đặt châu Hướng Hóa (trong đó có Ba Lòng) thuộc đạo Cam Lộ. Đến năm 1831, đạo Cam Lộ được đổi thành phủ Cam Lộ, kiêm quản hạt châu Hướng Hóa. Cũng trong năm 1831, triều Minh Mệnh nhà Nguyễn thành lập tỉnh Quảng Trị, Ba Lòng thuộc châu Hướng Hóa nằm trong tỉnh Quảng Trị. Năm 1834, nhà Nguyễn đổi châu Hướng Hóa thành huyện Hướng Hóa và đến 1849, đổi thành huyện Thành Hóa. Năm 1908, tên huyện Hướng Hóa mới được đặt lại.

Suốt thời kỳ Pháp thuộc, Ba Lòng trực thuộc phủ Triệu Phong.

Từ khoảng thế kỷ XVII-XVIII, các nhóm dân cư vùng đồng bằng Triệu Phong và Hải Lăng lần lượt mở rộng địa bàn cư trú về phía tây theo hướng dọc sông Thạch Hãn lên thung lũng Ba Lòng để hình thành nên các làng xã người Việt, sinh sống cận cư, xen kẽ với người Bru - Vân Kiều. Hai phường hình thành sớm hơn cả được chép trong “Phủ biên tạp lục” là Na Nẫm (Nà Nẫm, Đá Nằm) thuộc tổng Hoa La (sau này thuộc xã Triệu Nguyên và Mai Hoa (thời Nguyễn đổi thành Mai Lĩnh) thuộc tổng An Khang (sau này thuộc xã Mò Ó) của huyện Hải Lăng).

Một thời gian dài sau khi người nguyên thủy di cư đi nơi khác, vùng đất Ba Lòng là quê hương của người dân tộc Ba Hy, Vân Kiều. Cho đến khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, mới bắt đầu xuất hiện một số người Việt từ đồng bằng lên. Lúc đầu chỉ có một số người, đi đến sự định cư của một dòng họ đầu tiên, rồi đến sự định cư của các dòng họ khác, hình thành nên làng.

Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành các làng người Việt trên vùng đất Ba Lòng là do người dân không chịu nổi cảnh sưu cao thuế nặng, ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến đã khiến họ phải rời xa quê hương tìm một nơi hẻo lánh trú ngụ. Một số người làm nghề sơn tràng đã đặt chân lên vùng đất này rồi dần định cư ở đây. Một số khác do cuộc sống mưu sinh khó khăn, hy vọng đổi đời ở vùng đất mới. Tuy vì nhiều nguyên nhân mà phải lên vùng đất này, tất cả những người xa quê đều không thể quên nơi chôn nhau cắt rốn, nên đã lấy tên gọi quê hương đặt cho quê mới. Những vị thỉ tổ khai canh lập làng đầu tiên vẫn còn lưu truyền trong  gia phả, được thờ cúng trong các nhà thờ dòng họ một cách thành kính.

          Sau cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành huyện, toàn tỉnh bỏ cấp tổng, thành lập xã. Năm 1946, xã Phong Nguyên (bao gồm các làng trên địa bàn Triệu Nguyên và Ba Lòng ngày nay) được thành lập, trực thuộc huyện Triệu Phong. Từ năm 1947, theo tiếng gọi của Đảng, nhân dân các làng trên vùng đất Ba Lòng tự nguyện đốt nhà, tiêu thổ kháng chiến, rút về sinh sống ở các thôn Thác Lo (Xuân Lâm), Na Nẫm, Mai Sơn, Làng Hạ, Đá Nổi.

          Cũng từ năm 1947, căn cứ địa kháng chiến của tỉnh được hình thành, toàn bộ vùng đất (bao gồm ba xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Hải Phúc sau này) là vùng chiến khu cách mạng với tên gọi là chiến khu Ba Lòng trực thuộc sự chỉ đạo của tỉnh, có các thôn: Đồng Đờng, Văn Vận, Tân Trà, Tinh Thạch, Thượng Xá, Đá Nổi, Hà Vụng, Làng Hạ, Hà Giữa, Khe Cây, Mai Sơn, Na Nẫm, Xuân Lâm, vạn đò Đá Nổi, xóm La Ngan, xóm Thác Lo. Thời kỳ này có thêm vạn Đoàn Kết, vạn đò Mai Lương và xóm Khe Đào.

          Năm 1950, sau cuộc hiệp xã lần thứ nhất, Phong Nguyên đổi tên thành Triệu Nguyên.

Sau Hiệp Giơnevơ năm 1954, chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng tập kết ra Bắc, đảng Đại Việt lên chiếm Ba Lòng định lập căn cứ chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng không thành.

Sau khi tạm ổn định tình hình, chính quyền miền Nam thành lập ở Ba Lòng hai đơn vị hành chính cấp xã, đó là xã Lương Văn và xã Mai Xuân. Xã Lương Văn gồm 8 thôn: Văn Vận, Tân Trà, Đá Nổi, Thạch Xá, vạn Đá Nổi, Khe Giữa, Hà Vụng, Lương Hạ. Xã Mai Xuân có 4 thôn: Na Nẫm, Xuân Lâm, Mai Sơn, vạn Xuân Lưu (vạn Đoàn Kết đổi thành vạn Xuân Lưu).

Năm 1956, theo nghị định 1844-NĐ/PC ngày 1-10-1956 của đại biểu chính phủ tại Trung Việt, chính quyền Sài Gòn thành lập Nha đại diện hành chính Ba Lòng gồm 20 làng: Văn Vận, Tân Trà, Thạch Xá, Đá Nổi, Hà Vụng, Khe Giữa, Lương Hạ, vạn Đá Nổi, Mai Sơn, Na Nẫm, Xuân Lâm, vạn Đoàn kết (của người Việt); Đông Dong (Đồng Đờng), Ba Rầu, Luồi, Mang, Mong, Bội, Ba Xang, Bông 

Năm 1957, phát hiện được những hoạt động cách mạng tại đây, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai càng tìm cách khống chế, kìm kẹp nhân dân. Chúng tổ chức các đơn vị hành chính thôn, xã chặt chẽ hơn. 12 thôn người Việt (khoảng 2.500 nhân khẩu) sống rải rác dọc theo bờ sông Thạch Hãn ghép lại trong 2 xã Ba Lương và Ba Xuân. 36 thôn người Bru - Vân Kiều (khoảng 1.500 nhân khẩu) ghép lại thành 5 xã: Ba Thành, Ba Bình, Ba Hy, Ba Đăng, Ba Linh.

Đến năm 1958, nhằm ngăn chặn sự chi viện mọi mặt của hậu phương miền Bắc trên đường mòn Hồ Chí Minh, Mỹ - ngụy đã xây dựng Ba Lòng thành một căn cứ quân sự mạnh và ra nghị định số 215-HC ngày 17-5-1958 nâng Nha đại diện hành chính Ba Lòng lên thành quận Ba Lòng, quận lỵ đặt tại xã Ba Lương (Ba Lòng ngày nay); gồm 7 xã: Ba Xuân, Ba Lương, Ba Thành, Ba Bình, Ba Hy, Ba Đăng, Ba Linh. Xã Ba Xuân gồm các thôn Mai Sơn, Na Nẫm, Xuân Lâm và vạn Đoàn Kết, vạn đò Mai Lương; xã Ba Lương có các thôn Hà Vụng, Lương Hạ, Khe Giữa, Đá Nổi, Thạch Xá, Tân Trà, Văn Vận và vạn Đá Nổi; xã Ba Thành gồm thôn Đồng Đờng, Làng Cát, A Rồng, Ba Rầu.

Tháng 7-1960, Mỹ - Diệm thành lập ở Ba Thành một khu trù mật, gọi là dinh điền Phú Thành. Chúng thanh lọc và đưa 100 gia đình của hai xã Ba Lương và Ba Xuân thuộc quận lỵ Ba Lòng có liên quan với cách mạng lên sinh sống để dễ bề kềm kẹp. Trong điều kiện hết sức khó khăn, địch o ép, ly gián, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân vẫn một lòng đoàn kết, bám trụ, giúp nhau khai phá lại vùng đất này lần thứ hai (bao gồm diện tích cả ba làng: Trung Thành, Phú Thành, Mai Lãnh); móc nối hoạt động với tổ chức bên ngoài, tiếp tục đấu tranh kiên cường cho đến ngày quận Ba Lòng được giải phóng.

 Năm 1964, do nghị định số 1.011-NV ngày 23-5-1964 của Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, quận Ba Lòng cải thành cơ sở phái viên hành chính Ba Lòng. Về địa hạt, các xã của quận Ba Lòng cũ nhập vào quận Triệu Phong. Bốn tháng sau, theo nghị định 1.770-NV ngày 9-9-1964 của phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, Cơ sở phái viên hành chính Ba Lòng bị giải thể. Các xã thuộc quận Ba Lòng đặt trực thuộc quận Triệu Phong.

Về phía cách mạng, do đặc điểm lịch sử và vị trí chiến lược của vùng đất Ba Lòng, nhằm đáp ứng yêu cầu sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh mà địa giới cũng như sự quản lý hành chính đối với cả vùng đất này nói chung và xã Ba Lòng sau này nói riêng có nhiều thay đổi:

Năm 1954-1966, khu vực Ba Lòng (gồm Triệu Nguyên, Ba Lòng, Hải Phúc) trực thuộc Tỉnh ủy quản lý.

Năm 1967-1969, khu vực Ba Lòng trực thuộc huyện Nam Hướng Hóa.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân Ba Lòng ở các địa phương lần lượt trở về xây dựng quê hương, lúc này toàn bộ khu vực Ba Lòng vẫn trực thuộc sự quản lý của huyện Cam Lộ đến năm 1977.            Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên; đến năm 1977, huyện Vĩnh Linh và Gio Linh nhập thành huyện Bến Hải; huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng nhập thành huyện Triệu Hải, khu vực Ba Lòng trực thuộc huyện Bến Hải từ đó đến năm 1979. Năm 1979-1981, khu vực Ba Lòng trực thuộc huyện Triệu Hải.

          Năm 1981, tách xã Ba Lòng thành 2 xã là Ba Lòng và Triệu Nguyên. Xã Ba Lòng gồm 10 thôn. Từ đó, Ba Lòng là một đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Triệu Hải cho đến năm 1989.

           Sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại vào năm 1989, năm 1990, huyện Triệu Hải tách thành hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, xã Ba Lòng trực thuộc huyện Triệu Phong đến năm 1996.

Theo nghị định số 83-CP ngày 17-12-1996 của Chính phủ, huyện Đa Krông thuộc tỉnh Quảng Trị được thành lập trên cơ sở 10 xã của huyện Hướng Hóa và 3 xã của huyện Triệu Phong. Từ đó, xã Ba Lòng là đơn vị hành chính cơ sở trực thuộc huyện Đa Krông.

 Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đây là chủ trương lớn của Đảng; Nghị quyết số 832, ngày 17/12/2019 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị. Theo nghị quyết thì nhập toàn bộ 84,30km2 diện tích tự nhiên, 578 người dân của xã Hải Phúc vào xã Ba Lòng. 

Các tin khác